Kỹ năng sống là những bài học kinh nghiệm quý giá giúp trẻ linh hoạt giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, đa số các em không biết phải giải quyết những vấn đề thực tế mãi cho đến cấp 3. Vì vậy, bài viết sau đây sẽ chia sẻ những kỹ năng cần thiết nên được lồng ghép vào chương trình giáo dục tiểu học để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.
Kỹ năng ra quyết định
Việc ra quyết định là một kỹ năng mà các em nên được học từ nhỏ. Dù đúng hay sai, việc ra quyết định giúp trẻ trở nên độc lập, phát triển khả năng tư duy và nhận thức về những vấn đề trong cuộc sống.
Bắt đầu từ những việc đơn giản như để các em chọn ăn kem socola hay vani, mang tất đen hay tất trắng, đánh đàn hay vẽ tranh,… sẽ tạo tiền đề cho những quyết định lớn hơn và có tầm ảnh hưởng nhất định của trẻ sau này.
Nhà trường nên dạy cho các em những khía cạnh các em phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định nào đó, chẳng hạn như chỉ cho các em đâu là cái hay và cái chưa hay của mỗi lựa chọn, và khi các em lựa chọn một phương án nào đó thì sẽ dẫn đến kết quả gì.
Việc học kỹ năng ra quyết định từ sớm giúp các em rèn luyện tác phong thận trọng trước khi lựa chọn bất kỳ quyết định nào. Đây sẽ là bệ phóng vững chắc giúp các em có những quyết định đúng đắn trong tương lai.
Kỹ năng ra quyết định giúp trẻ quyết đoán hơn
Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian cần thiết cho trẻ vì đây là nền tảng xuyên suốt từ nhỏ đến khi trưởng thành, dù các em đi học hay đi làm sau này thì việc quản lý thời gian hiệu quả giúp các em đạt được chất lượng công việc tốt nhất.
Việc quản lý thời gian hiệu quả không những giúp các em hoàn thành mọi việc đúng giờ, đúng thời điểm, mà còn dạy các em cách trân trọng thời gian của bản thân cũng như mọi người xung quanh, từ đó hình thành những nét tính cách tốt đẹp cho trẻ.
Để rèn luyện kỹ năng này, nhà trường cũng như thầy cô giáo nên giúp trẻ xây dựng mục tiêu, kế hoạch học tập và vui chơi với từng hoạt động cụ thể, sau đó lập thời gian biểu cho các hoạt động của các em.
Trẻ nên được học cách trân trọng thời gian
Kỹ năng quản lý tài chính
Nhiều phụ huynh vẫn quan niệm rằng các em ở lứa tuổi tiểu học vẫn còn quá nhỏ để được học cách quản lý tiền bạc. Tuy nhiên, ở môi trường giáo dục, các em được học về cách đếm cũng như những phép tính toán cơ bản. Vậy thì tại sao không nâng tầm những kiến thức đó và chuyển thành những kinh nghiệm sống mà trẻ có thể ứng dụng ngay lập tức.
Đây là kỹ năng mà người lớn đôi khi còn chưa ứng dụng tốt. Vì vậy, việc dạy cho các em những điều cơ bản về tài chính, tầm quan trọng, cũng như cách quản lý hiệu quả giúp các em chuẩn bị cho ngày mà các em có thể tự làm ra tiền cho chính mình.
Kỹ năng này giúp các em học cách tiết kiệm, tiêu dùng thông minh để tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn.
Chẳng hạn, việc giáo dục các bé mỗi ngày tiết kiệm một khoảng tiền nhất định để hỗ trợ cho những người gặp khó khăn vừa giúp các em phát triển khả năng quản lý tài chính, nhưng cũng vừa giúp khơi dậy lòng trắc ẩn của các em ngay từ trong môi trường giáo dục tiểu học.
Kỹ năng làm việc nhóm
Trong xã hội hiện đại, việc tương tác, trao đổi, và làm việc với nhiều người khác nhau đóng vai trò ngày càng quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng cho trẻ khả năng làm việc nhóm từ sớm đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của trẻ.
Làm việc nhóm giúp các em trân trọng giá trị và kết quả làm việc của nhau, cải thiện khả năng giao tiếp và sống hòa đồng với bạn bè và mọi người xung quanh, đồng thời giúp trẻ phát huy hết khả năng của mình để hoàn thành công việc chung.
Trên lớp, giáo viên có thể tổ chức các trò chơi có kết hợp yếu tố làm việc nhóm như trò chơi tập thể, chia lớp thành nhiều cặp nhỏ,… để các em phối hợp, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua các thử thách.
Ngoài ra, việc tham gia các câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khoá cũng giúp trẻ phát huy tinh thần đồng đội nhiều hơn.
Kỹ năng làm việc nhóm giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp
Chương trình giáo dục tiểu học được xem là nền tảng cho sự phát triển của trẻ. Cùng với sự trau dồi về mặt tri thức thì các em cũng cần được nâng cao kỹ năng sống để đảm bảo sự phát triển hài hoà, toàn diện của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên lựa chọn những môi trường giáo dục tiểu học phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của trẻ.