Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có nguồn nhân lực lớn nhất nước với khoảng 4,7 triệu người trong độ tuổi lao động, tổng số người có việc làm hiện vào khoảng 3,2 triệu người. Ðội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn chiếm tới 30% so với cả nước. Số lao động đã qua đào tạo tăng từ 40% năm 2005 lên 55% năm 2010.
Thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010 do Ðại hội Ðảng bộ Thành phố lần thứ 8 đề ra, đến nay nguồn nhân lực Thành phố đã có bước phát triển đáng kể. Ðội ngũ cán bộ công chức, khối hành chính sự nghiệp các cấp, các ngành đã có hơn 138.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và gần 2.500 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Sở hữu nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nguồn nhân lực, tuy vậy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố . Dự báo trong những năm tới, tình trạng thiếu hụtlao động chất lượng có thể sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu không đưa ra được nhữnggiải pháp hợp lý, nhất là giải pháp gắn kết giữa tuyển dụng và đào tạo.
Từ nhiều năm qua, vấn đề thiếu hụt lao động đã được đặt ra, tuy nhiên chưa bao giờ Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn một cách nghiêm trọng như những năm gần đây do chỉ có 50% lao động mới qua đào tạo. Đặc biệt lực lượng lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề còn rất ít ỏi, chất lượng chưa đạt so với yêu cầu. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các ngành: quản lý điều hành, tin học, kế toán, nhân sự – hành chính văn phòng, tài chính – ngân hàng…
Bên cạnh khu vực trung tâm, tại các vùng ngoại ô Thành phố , tình trạng khan hiếm lao động chất lượng càng trầm trọng hơn. Theo thống kê của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, tại 5 huyện ngoại thành của Thành phố bao gồm Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh và Nhà Bè đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực, trong đó sư phạm và y tế là những ngành hiện đang có nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực. Tình trạng trên đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Thành phố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là do việc hoạch định chính sách đầu tư của Thành phố còn chậm chuyển đổi, chủ yếu vẫn là các ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp. Mặt khác chính sách đãi ngộ của Thành phố chưa thực sự hợp lý, do vậy hiện tượng chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra. Những lao động được đào tạo bài bản thường tìm việc ở các công ty nước ngoài, nhiều du học sinh sau khi học xong cũng thường tìm cách ở lại nước ngoài do chính sách lương bổng và đãi ngộ cao hơn. Quan trọng hơn, vấn đề đào tạo và sử dụng lao động bị “lệch pha”, giữa các trung tâm đào tạo nhân lực và nơi sử dụng nhân lực chưa có sự tương thích hoàn toàn. Ðộ chênh giữa nhà trường và doanh nghiệp còn khá lớn, hơn nữa doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược, kế hoạch dài hạn về nhu cầu nhân lực của mình đồng thời chưa thật sự chủ động tham gia, góp sức vào quá trình đào tạo nhân lực